“Đảo ngọc” Phú Quốc là một trong những thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sôi động nhất cả nước. Thế nhưng, sau một thời gian liên tục tăng trưởng nóng, thị trường khu vực này đang tồn tại nhiều điểm nghẽn đáng báo động.

Phú Quốc còn đang gặp phải vấn đề là hiện trạng cơ sở hạ tầng chưa bắt kịp với tốc độ phát triển dự án, đem đến những tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch trên đảo. Tốc độ phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng nhanh so với tốc độ tăng trưởng của khách du lịch, hạ tầng đã khiến “đảo ngọc” Phú Quốc ngày càng bị bê tông hóa, mất đi vẻ đẹp hoang sơ, vốn có.

Do đó cần thúc đẩy mở rộng nguồn cầu là yếu tố quan trọng để hỗ trợ quá trình phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Với vị trí là một hòn đảo biệt lập, khả năng tiếp cận hàng không, chi phí đi lại là một trong những thách thức ảnh hưởng đến ngành du lịch. Việc duy trì chi phí hàng không cạnh tranh cũng như mở thêm các đường bay mới, đặc biệt là các đường bay thẳng quốc tế là điều kiện cần để hỗ trợ quá trình phát triển của ngành nghỉ dưỡng Phú Quốc.

Để phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng một cách bền vững, các chủ đầu tư cần nắm bắt tốt các xu hướng trên thị trường và nghiên cứu cẩn trọng trong giai đoạn hoạch định, nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các nhóm du khách.

Các đơn vị phát triển, chính quyền địa phương cần hiểu được rằng cốt lõi của ngành du lịch xoay quanh việc tạo ra trải nghiệm cho khách hàng từ lúc họ lên kế hoạch cho điểm đến cho đến hành trình du lịch tại điểm đến. Cá nhân tôi cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp trong ngành nghỉ dưỡng mà mỗi cá nhân trên đảo đều đóng vai trò quan trọng trong việc đem đến những trải nghiệm tích cực cho du khách thông qua việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cũng như giữ gìn môi trường cảnh quan, bảo tồn truyền thống văn hóa địa phương.

Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng, xử lý chất thải cũng như công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái cần được chú trọng để bắt kịp với tốc độ phát triển của hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó, Phú Quốc cần có một chiến lược quảng bá, truyền thông điểm đến hiệu quả, đa dạng hơn. Thông điệp truyền thông cần rõ ràng truyền tải được các giá trị độc đáo, nét hấp dẫn của điểm đến cũng như phản hồi kịp thời với các thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Phú Quốc.

Điều này đòi hỏi sự hợp tác, cũng như hỗ trợ từ cơ quan địa phương, các chủ đầu tư và cộng đồng địa phương. Bằng cách thực hiện các giải pháp này, du lịch Phú Quốc có thể khắc phục các vấn đề hiện tại và phát huy hết tiềm năng của mình như một điểm đến bền vững và cạnh tranh.

Theo tôi, khả năng tiếp cận nguồn vốn và tốc độ phát triển nguồn cầu, đặc biệt là thị trường khách quốc tế là những yếu tố quan trọng hỗ trợ quá trình khôi phục thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc trong thời gian tới.

Mặc dù thị trường đang gặp nhiều thách thức, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để chủ đầu tư xem xét, đánh giá lại, từ đó tinh chỉnh mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, bền vững hơn.

Bên cạnh đó, các nhà điều hành khách sạn quốc tế và khu vực cũng đa gia tăng sự hiện diện tại Phú Quốc, đem đến nhiều hơn sự lựa chọn thương hiệu đáp ứng phân khúc khách hàng mới như nhóm khách có thể linh động làm việc từ xa (digital nomad), khách công tác kết hợp du lịch (bleisure),…

Nhìn chung, chúng tôi vẫn đánh giá tốt về tiềm năng thị trường và mong đợi các cải thiện về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông sẽ đem đến nhiều hơn các tín hiệu khởi sắc cho ngành nghỉ dưỡng Phú Quốc.